Nhiều khách hàng của INS Media lần đầu tìm hiểu về sản xuất video, phim doanh nghiệp thường gặp một số khó khăn trong quá trình làm việc. Nguyên nhân là bởi chưa hiểu về các thuật ngữ chung thường sử dụng khi sản xuất video. Nhằm giúp “newbie” có thể dễ dàng hơn khi hợp tác sản xuất video. INS Media sẽ giải thích một số thuật ngữ Production House cơ bản và phổ biến hiện nay. Hãy note lại ngay nhé!
Pro-Production (Sản xuất tiền kỳ)
Big Idea
Ý tưởng lớn hoặc ý tưởng chủ đạo là nền tảng của toàn bộ dự án, truyền tải thông điệp chính hoặc cảm xúc mà dự án muốn khơi gợi. Đây là ý tưởng xuyên suốt, giúp định hướng sáng tạo cho toàn bộ quá trình sản xuất.
Ví dụ: Trong phim kỷ niệm 15 năm thành lập BIDV Thanh Xuân, INS Media đã đề xuất big idea “Thanh Xuan Symphony”. Từ đây, các hạng mục khác trong video cũng được chúng tôi truyền tải theo big idea này. Bao gồm: lời bình, hình ảnh, âm nhạc, đồ họa,…
Outline
Đây là dàn ý của dự án, liệt kê các phần chính của nội dung theo trình tự logic. Outline giúp đội ngũ sản xuất và khách hàng hình dung cấu trúc tổng quát của video.
Intro
Phần mở đầu của video/phim thường kéo dài từ vài giây đến một phút. Intro có nhiệm vụ thu hút sự chú ý của khán giả, giới thiệu nội dung hoặc bối cảnh. Đặc biệt, intro có vai trò quan trọng trong việc tạo mood & tone của video.
Outro
Đây là thuật ngữ Production House phổ biến, chỉ phần kết thúc của video hoặc phim. Outro có vai trò quan trọng như intro khi tạo cảm xúc trọn vẹn cho người xem. Nội dung outro thường tóm tắt lại thông điệp chính, kêu gọi hành động (CTA), hoặc đưa ra lời cảm ơn. Outro giúp khép lại nội dung một cách trọn vẹn và gợi ý bước tiếp theo cho người xem.
Timeline
Thông thường, khách hàng sẽ đề xuất một mốc thời gian cần có video. Từ đó, tổ chức sản xuất sẽ lên một bảng thời gian chi tiết cho từng bước trong quá trình sản xuất. Từ pre-production, production đến post-production. Timeline giúp 2 bên phối hợp nhịp nhàng hơn. Cũng như có thể theo dõi và đảm bảo tiến độ dự án được hoàn thành đúng hạn.
Story
Với một số thể loại video, story rất quan trọng. Đây là cốt truyện hoặc câu chuyện chính mà video hoặc phim muốn kể. Đó có thể là hành trình khởi nghiệp hoặc đi tìm sứ mệnh. Xây dựng câu chuyện mạch lạc sẽ giúp khán giả dễ dàng nắm bắt nội dung và cảm xúc mà video muốn truyền tải.
Đọc thêm: Storytelling trong sản xuất TVC – Để doanh nghiệp tiếp cận gần với khách hàng
Script
Script hay kịch bản là một tài liệu chi tiết và đầy đủ nhất. Trong đó ghi lại lời thoại, hành động, và các chi tiết cần thiết khác cho từng cảnh quay. Ví dụ như: lời bình, lời thoại, hành động,… Tài liệu này giúp toàn bộ ekip biết chính xác những nội dung gì sẽ diễn ra trong mỗi cảnh.
Storyboard
Đây là bảng phân cảnh được bóc tách từ kịch bản chi tiết. Đối với các kịch bản phức tạp thì storyboard rất quan trọng. Trong đó sẽ minh họa các hình vẽ hoặc hình ảnh mô phỏng từng cảnh quay theo
thứ tự. Storyboard sẽ giúp ekip hình dung cách sắp xếp hình ảnh và góc máy trước khi quay. Nhờ việc tính toán kỹ càng các cảnh quay, ekip sẽ giúp bạn tránh phát sinh các chi phí khi quay thiếu cảnh, cảnh quay không đúng như mong muốn,…
Scenes
Cảnh quay là một đơn vị cơ bản trong phim hoặc video, bao gồm tất cả những gì diễn ra tại một địa điểm hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Mỗi scene có thể bao gồm nhiều shot (cú quay) được quay từ các góc máy khác nhau. Tuy nhiên đều tập trung vào cùng một sự kiện hoặc hành động.
Các yếu tố cần chú ý trong một cảnh quay:
- Nhân vật: Những ai tham gia cảnh quay này? Hành động và lời thoại của họ là gì?
- Hành động: Các sự kiện hoặc hành động diễn ra trong cảnh.
- Địa điểm: Cảnh quay được diễn ra ở đâu? Ví dụ như: văn phòng, chung cư, công viên, trên xe buýt,…
- Thời gian: Cảnh quay diễn ra vào thời điểm nào trong ngày hoặc trong câu chuyện?
- Cảm xúc và không khí: Cảm xúc cần thể hiện là gì? Không khí căng thẳng, vui vẻ hay xúc động?
Location
Đây là địa điểm quay, bối cảnh quay. Địa điểm quay có thể là không gian trong nhà (indoor) hoặc ngoài trời (outdoor).
- Indoor: nhà ở, văn phòng, quán cà phê, studio,…
- Outdoor: công viên, bãi biển, đường phố, khu rừng,…
Việc lựa chọn địa điểm quay phù hợp sẽ bổ trợ cho nội dung, tăng tính chân thực và thẩm mỹ cho video. Đồng thời, yếu tố này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng không khí, cảm xúc cho câu chuyện.
Shot List
Danh sách chi tiết các cảnh quay cụ thể, bao gồm các thông tin tổng quan giúp ekip có thể theo sát lịch sản xuất. Từ đó đảm bảo buổi ghi hình được diễn ra hiệu quả. Các thông tin được thể hiện trong shot list bao gồm: cụm nội dung quay, bối cảnh, diễn viên, trang phục, đạo cụ,…
Việc sắp xếp kế hoạch sản xuất thành shot list cũng giúp tối ưu lịch quay. Ví dụ, các cảnh quay tại tầng 1 tòa nhà sẽ được sắp xếp gần nhau. Nhờ đó sẽ tối ưu việc di chuyển hay vận chuyển thiết bị quay phim. Bởi để có được những thước phim “long lanh” nhất thì sẽ cần đến rất nhiều thiết bị, từ các loại đèn chiếu sáng đến dụng cụ hỗ trợ máy quay.
Props
Props là từ viết tắt của “Properties”. Đây là thuật ngữ Production House chỉ tất cả những vật dụng hoặc đồ vật được sử dụng trong một cảnh quay để hỗ trợ câu chuyện, tạo bối cảnh và là đạo cụ cho các nhân vật tương tác. Đạo cụ có thể là bất cứ thứ gì mà nhân vật có thể chạm vào, sử dụng hoặc xuất hiện trong không gian quay.
Có nhiều loại đạo cụ, nhưng phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Hand Props – Đạo cụ cầm tay: Điện thoại, sách, cốc cà phê, dao, bút, hoa,…
- Set Props – Đạo cụ bối cảnh: Bàn ghế, đèn, tranh treo tường, tủ sách, rèm cửa,…
- Costume Props – Đạo cụ trang phục: Kính mắt, mũ, đồng hồ, găng tay,…
Production (Sản xuất)
Thuật ngữ về camera
Frame
Frame (khung hình) là đơn vị cơ bản nhất trong việc quay phim hoặc chụp ảnh. Nó đại diện cho một hình ảnh tĩnh đơn lẻ trong chuỗi hình ảnh tạo thành video hoặc phim. Khi các khung hình này chạy liên tục với tốc độ nhanh sẽ tạo cho người xem cảm giác chuyển động.
Frame có 2 vai trò chính trong sản xuất video:
- Định hình bố cục: Khung hình quyết định những đối tượng nào sẽ xuất hiện trong hình, và nó được sắp xếp theo bố cục như nào.
- Tạo cảm xúc: Cách sắp xếp khung hình có thể tạo nên sự căng thẳng, thoải mái,… cho người xem. Tùy vào thể loại của video mà đạo diễn sẽ có dụng ý riêng trong cách sắp xếp khung hình.
Gimbal
Gimbal là thiết bị giúp ổn định camera, cho phép cameraman quay video mượt mà, không rung lắc. Ngay cả khi người quay di chuyển hoặc thực hiện các cảnh quay phức tạp.
Tuy nhiên, quay video bằng gimbal thường sử dụng các dòng máy quay có chất lượng không cao bằng máy quay chuyên nghiệp.
Professional Camera
Trong thuật ngữ Production House, Professional Camera chỉ loại máy quay cao cấp, được thiết kế cho các dự án chuyên nghiệp. Ví dụ như phim điện ảnh, video quảng cáo, truyền hình và sản xuất nội dung chất lượng cao.
Máy quay cao cấp có nhiều ưu điểm như:
- Cảm biến lớn: Giúp thu được hình ảnh rõ nét, chi tiết cao, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu.
- Sử dụng nhiều ống kính đa dạng: Cho phép thay đổi nhiều loại ống kính khác nhau để tạo hiệu ứng hình ảnh đa dạng. Ví dụ như lens toàn cảnh, lens cận,…
- Chất lượng video cao: 4K, 6K, hoặc thậm chí 8K.
- Điều chỉnh linh hoạt: Người dùng có thể điều chỉnh các thông số linh hoạt để thu được hình ảnh như ý muốn. Ví dụ như khẩu độ, tốc độ màn trập, ISO, tiêu cự,…
- Tích hợp nhiều tính năng chuyên nghiệp: Lấy nét tự động, quay slow-motion, cổng kết nối âm thanh, màn hình ngoài, điều khiển từ xa,…
Thuật ngữ về ánh sáng
Artificial Light (Ánh sáng nhân tạo)
Ánh sáng nhân tạo được tạo ra bởi con người khi sắp đặt các thiết bị chiếu sáng theo ý đồ nghệ thuật. Con người có thể kiểm soát cường độ, màu sắc và hướng sáng dễ dàng.
Loại ánh sáng này thường được ứng dụng để quay phim trong studio hoặc môi trường thiếu sáng. Đôi khi được sử dụng để tạo hiệu ứng ánh sáng cho các cảnh quay đặc biệt.
Natural Light (Ánh sáng tự nhiên)
Đây là thuật ngữ Production House về ánh sáng tự nhiên đến từ các nguồn như Mặt Trời, Mặt Trăng hoặc ánh sáng từ thiên nhiên. Loại ánh sáng này không cần sự can thiệp của con người.
Một số đặc điểm của ánh sáng tự nhiên:
- Thay đổi theo thời gian trong ngày và thời tiết nên sẽ khó kiểm soát.
- Mang lại cảm giác chân thực và tự nhiên cho cảnh quay. Màu sắc tự nhiên.
Practical Light (Ánh sáng thực tế)
Đây là nguồn sáng từ các thiết bị chiếu sáng thực tế trong bối cảnh. Các nguồn sáng đó có thể là đèn bàn, đèn trần, đèn lồng, đèn trang trí,… Giúp bối cảnh quay trở nên sinh động và chân thực hơn.
Hard Light (Ánh sáng cứng)
Ánh sáng cứng là ánh sáng mạnh, tập trung vào một điểm và tạo ra bóng rõ rệt, sắc cạnh. Người nhìn có thể dễ dàng thấy bằng mắt sự tương phản cao giữa sáng và tối. Loại ánh sáng này thường tạo cảm giác mạnh mẽ, căng thẳng hoặc kịch tính cho cảnh quay.
Soft Light (Ánh sáng mềm)
Ngược lại với ánh sáng cứng, ánh sáng mềm là ánh sáng lan tỏa, dịu nhẹ. Bóng đỏ mềm mại, mờ nhạt và không sắc nét. Vì vậy nó tạo cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu. Loại ánh sáng này thường dùng trong các cảnh phim tình cảm, lãng mạn hay quay các sản phẩm cho phái nữ.
Cảnh quay và chuyển động của máy
Close-Up Shot
Trong các thuật ngữ Production House về góc máy, thì Close-up shot là cảnh cận, quay tập trung vào một chi tiết cụ thể. Ví dụ như khuôn mặt, đôi mắt, bàn tay, hoặc một vật thể nhỏ. Và vật thể đó sẽ chiếm phần lớn khung hình.
Góc quay này sẽ tăng sự chú ý của người xem vào chi tiết quan trọng trong video, thể hiện cảm xúc hoặc phản ứng của nhân vật.
Medium-Close Shot
Góc máy này thường quay từ phần vai đến đầu của nhân vật. Mục đích để người xem giữ được sự tập trung vào biểu cảm khuôn mặt của nhân vật, nhưng vẫn thấy một phần cơ thể. Medium-Close Shot thường được dùng để quay cảnh nhân vật trò chuyện, thể hiện cảm xúc nhẹ nhàng.
Medium Shot
Trung cảnh sẽ quay từ phần thắt lưng trở lên của nhân vật. Người xem có thể nhìn thấy cả biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể của nhân vật. Cảnh quay này được áp dụng nếu đạo diễn muốn người xem thấy được cả nét mặt và cử chỉ tay của nhân vật khi trò chuyện, tương tác cùng nhân vật khác.
Wide Shot
Toàn cảnh sẽ bao quát toàn bộ cơ thể nhân vật hoặc một phần lớn của không gian. Cảnh quay này sẽ đặt nhân vật vào một bối cảnh cụ thể. Nhờ đó người xem có thể hiểu thêm về môi trường xung quanh hoặc một phần câu chuyện.
Ultra-Wide Shot
Đây là cảnh quay với khung cảnh rất rộng. Nhân vật thường trở nên nhỏ bé trong khung hình hoặc có thể không nhìn thấy. Mục đích của cảnh quay này là thể hiện sự hùng vĩ, quy mô rộng lớn của không gian. Từ đó có thể gây ấn tượng mạnh mẽ với người xem ngay lập tức.
Over-The-Shoulder Shot
Góc máy này sẽ quay từ phía sau vai một nhân vật. Người xem sẽ nhìn thấy một phần đầu hoặc vai của nhân vật trong khung hình.
Cảnh quay sử dụng Over-The-Shoulder Shot thường được đạo diễn sử dụng với nhiều dụng ý. Nhưng thường sẽ tạo cho người xem cảm giác thân mật như đang quan sát cùng nhân vật.
Point of View shot (POV)
Đây cũng là một góc máy hay, thường được các đạo diễn sáng tạo và vận dụng linh hoạt trong quá trình làm phim. POV thể hiện những gì một nhân vật đang nhìn thấy, đặt khán giả vào vị trí của nhân vật. Từ đó tăng tính đồng cảm hoặc tạo cảm giác hồi hộp, chân thực cho người xem.
Zoom
Zoom hay thu phóng là kỹ thuật thay đổi tiêu cự của ống kính. Mục đích để để phóng to hoặc thu nhỏ hình ảnh mà không di chuyển camera.
Rule of Thirds
Đây là thuật ngữ Production House khá thông dụng, chỉ nguyên tắc thường được ứng dụng trong nhiếp ảnh, phim ảnh, hội họa,… Nguyên tắc này bố cục chia khung hình thành 9 phần bằng nhau với 2 đường ngang và 2 đường dọc. Chủ thể chính sẽ được đặt tại điểm giao nhau của 4 đường này để tạo sự cân đối.
Post-Production (Hậu kỳ)
Video Editing
Edit
Edit là quá trình biên tập và chỉnh sửa video để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Công việc này bao gồm cắt ghép cảnh, sắp xếp thứ tự, thêm hiệu ứng, âm thanh để video phù hợp với nội dung, cũng như hấp dẫn người xem.
Các bước cơ bản bao gồm:
- Cắt bỏ những phần không cần thiết, chọn lọc nội dung.
- Ghép nối các clip theo nguyên tắc trong dựng phim.
- Thêm nhạc nền, điều chỉnh âm thanh.
- Đồng bộ âm thanh và hình ảnh.
- Thêm hiệu ứng chuyển cảnh, đồ họa,…
VFX (Visual Effects – Hiệu ứng hình ảnh)
VFX là việc thêm các hiệu ứng hình ảnh vào video mà không có trong cảnh quay thực tế. Điều này thường được thực hiện bằng phần mềm để tạo ra các cảnh mà không thể hoặc khó quay được trong thực tế.
Các bộ phim khoa học viễn tưởng, phim hành động, quảng cáo thường sử dụng VFX để hấp dẫn, kịch tính và thu hút người xem hơn. Ví dụ một số cảnh như: cháy nổ, sấm sét, yếu tố giả tưởng như không gian vũ trụ, xóa vật trong khung hình, biến hình,…
Raw footage
Đây là các cảnh quay thô, nguyên bản lấy trực tiếp từ máy quay, chưa được hiệu chỉnh màu sắc hoặc xử lý, cắt gọt. Các file này thường có dung lượng lớn và chất lượng hình ảnh cao nhất.
Color Grade (hiệu chỉnh màu sắc)
Đây là quá trình điều chỉnh màu sắc của video gốc bằng cách thay đổi độ tương phản, độ bão hòa màu. Mục đích để của việc hiệu chỉnh màu sắc bao gồm:
- Tạo tông màu nhất quán cho toàn bộ video.
- Đạt được hiệu ứng thẩm mỹ mong muốn theo ý đồ sáng tạo, concept của video.
- Tác động tới cảm xúc của người xem: ấm áp, hoài cổ, lạnh lẽo, căng thẳng,…
Graphic
Đồ họa là các yếu tố tĩnh trong video, như logo, chữ, hình minh họa. Các dạng đồ họa cơ bản thường được dùng cho video như tiêu đề video, bảng tên nhân vật, biểu tượng hay hình minh họa cho nội dung video.
Đồ họa giúp video chuyên nghiệp hơn, thông tin trực quan và dễ theo dõi.
Motion Graphics
Motion Graphics là đồ họa được tạo ra và chuyển động trong video, thường kết hợp với âm thanh để truyền tải thông tin một cách sinh động.
Ví dụ: logo động, đồ thị chuyển động, hiệu ứng chữ, hình ảnh,…
Animation
Đây là quá trình tạo ra sự chuyển động liên tiếp của các hình ảnh hoặc đối tượng để tạo ảo giác về chuyển động. Animation có thể được thực hiện theo nhiều phong cách khác nhau, từ truyền thống (vẽ tay) đến kỹ thuật số (3D).
Animation giúp tạo nên các hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, hấp dẫn người xem. Tuy nhiên sẽ phức tạp nên đòi hỏi kỹ năng xử lý cao hơn, mất nhiều thời gian.
Proxy
Proxy là phiên bản nén nhẹ hơn của các cảnh quay gốc (raw footage), giảm chất lượng tạm thời để có thể chỉnh sửa mượt mà trên máy tính.
- Dễ xử lý, giảm tải cho máy tính khi chỉnh sửa video có độ phân giải cao..
- Sau khi hoàn thành chỉnh sửa, phần mềm sẽ tự động liên kết lại với file gốc chất lượng cao để xuất video.
Rendering Time
Đây là thời gian cần để hoàn thành việc xuất video. Thời gian này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Độ dài video
- số lượng hiệu ứng, VFX, motion graphics.
- Chất lượng xuất video (độ phân giải): HD, 4K
- Cấu hình máy tính.
Phụ đề
Phụ đề là văn bản hiển thị dưới khung hình, diễn giải nội dung thoại, lời bình hoặc âm thanh. Phụ đề giúp video tiếp cận nhiều đối tượng người xem hơn, trong nhiều trường hợp hơn như môi trường cần tắt âm thanh. Các loại phụ đề thường có bao gồm:
- Phụ đề ngôn ngữ gốc: Giúp người xem hiểu rõ lời thoại hoặc âm thanh.
- Phụ đề dịch: Dịch nội dung sang ngôn ngữ khác, giúp người xem không biết ngôn ngữ gốc cũng có thể hiểu video.
Thumbnail
Thumbnail là hình ảnh thu nhỏ đại diện cho video, hiển thị trước khi người xem bấm vào video. Hình ảnh trên thumbnail thường chứa yếu tố thu hút hoặc điểm nhấn của video. Màu sắc và thiết kế bắt mắt, văn bản lớn rõ ràng. Từ đó thu hút người xem click vào video.
Audio Editing
Audio Mix/Music master
Đây là thuật ngữ Production House chỉ quá trình xử lý âm thanh. Editor sẽ kết hợp, cân bằng các âm thanh khác nhau trong một dự án video hoặc âm nhạc. Mục đích là đảm bảo rằng giọng nói, nhạc nền, hiệu ứng âm thanh và các yếu tố khác kết hợp với nhau một cách mượt mà. Đồng thời, âm thanh cũng được tối ưu hóa để đạt chất lượng cao nhất khi phát trên các thiết bị hoặc nền tảng khác nhau.
Equalization
Là một phần trong quá trình xử lý âm thanh. Equalization là cân bằng âm thanh, điều chỉnh các tần số âm thanh (thấp, trung, cao) để làm cho âm thanh rõ ràng hơn hoặc phù hợp hơn với bối cảnh sử dụng.
Voiceover
Voiceover là đoạn giọng nói được ghi âm và chèn vào video/ âm thanh. Vai trò của việc lồng tiếng thường để giải thích hoặc mô tả nội dung đang diễn ra. Giọng nói được lồng vào phải rõ ràng và dễ nghe.
Lồng tiếng thường được ứng dụng cho các video quảng cáo, hướng dẫn sản phẩm, phim tài liệu, kể chuyện,…
Sound Effects
Đây là các âm thanh được thêm vào video hoặc audio để tăng tính chân thực hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt. Ví dụ như: tiếng bước chân, động vật kêu, súng, âm thanh nổ,… Mục đích của việc sử dụng sound effects nhằm:
- Làm cho nội dung sống động hơn.
- Tăng tính tương tác và cảm xúc cho người xem/nghe.
Soundtrack
Nhạc nền là một phần quan trọng trong các video, giúp tăng cảm xúc cho bối cảnh của từng phần, cũng như tạo sự kết nối với hình ảnh. Có thể phân loại nhạc nền như sau:
- Original Score: Nhạc gốc được sáng tác đặc biệt cho phim hoặc video.
- Licensed Music: Nhạc có bản quyền được sử dụng lại trong các dự án. Có thể mua trên các trang cung cấp nhạc hoặc liên hệ tác giả.
- Background Music: Nhạc nhẹ nhàng hỗ trợ nội dung mà không làm lu mờ giọng nói hoặc hiệu ứng.
Các thuật ngữ khác
Source
Source là các file gốc được trích ra từ máy quay. Đây là “nguyên liệu” chính cho video. Từ file gốc này, editor sẽ tiếp tục xử lý như cắt, ghép, chỉnh màu,… để sử dụng cho video.
Footage
Đây là các cảnh quay được quay sẵn và bán bản quyền sử dụng trên các trang web của nhà cung cấp.
Định dạng
Định dạng là cách dữ liệu video/ âm thanh được mã hóa và lưu trữ trong một tệp. Định dạng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của file. Việc lưu đúng định dạng cũng giúp file có thể mở được trên các thiết bị khác nhau.
Các loại định dạng phổ biến hiện nay:
- Video: MP4, MOV, AVI, MKV.
- Audio: MP3, WAV, AAC.
- Hình ảnh: JPG, PNG, TIFF.
Độ phân giải
Đây là thuật ngữ Production House về chỉ số lượng điểm ảnh (pixel) hiển thị trong một khung hình video hoặc hình ảnh. Độ phân giải càng cao, hình ảnh càng chi tiết và sắc nét (HD, Full HD, 4K, 8K). Các video quảng cáo, phim doanh nghiệp cho INS Media sản xuất sẽ có độ phân giải 4K để đảm bảo độ sắc nét. Tuy nhiên, nếu video được sử dụng để đăng trên mạng xã hội hay một số website thì có thể sử dụng độ phân giải thấp hơn để tối ưu cho việc phát/lưu trữ
Brand Guideline
Cẩm nang thương hiệu là tài liệu hướng dẫn cụ thể về cách thức sử dụng các yếu tố nhận diện thương hiệu để đảm bảo sự thống nhất trong mọi hoạt động truyền thông, sản xuất, và marketing của thương hiệu. Bao gồm hướng dẫn về màu sắc, logo, font chữ, tone of voice, ứng dụng,…
Brand Guideline sẽ giúp Production House sáng tạo ý tưởng và sản xuất video phù hợp, nhất quán với định vị của thương hiệu.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn các thuật ngữ Production House phổ biến. Tham khảo các sản phẩm của INS Media và liên hệ với chúng tôi theo thông tin dưới đây để được tư vấn sản xuất video chuyên nghiệp!
- Hotline: 091 421 42 34
- Fanpage: INS Media – We Create to Inspire
- Youtube: INSmedia – Phim Doanh nghiệp, TVC, Video Marketing
- Địa chỉ: Số 19 LK 11A, P. Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội